Posted on 07/03/2015 Tạo bởi Admin With 0 comments

Về “Poverty porn”

“Triệu phú khu ổ chuột” và sự đáng sợ của kích dục đói nghèo (poverty porn)

Hiện nay xã hội có hai nhu cầu phổ biến: 1/ chửi rủa 2/ thương hại. Cả hai đều có chung động cơ: để thấy mình tốt đẹp hơn những gì mình chửi và những gì mình thương.

Chửi rủa không phải chủ đề chính ở đây.

Hãy nói về thương hại. Tiếng Anh, với sự nhanh nhạy truyền thống, đã sớm tạo ra một thuật ngữ – “poverty porn” (kích dục bằng sự nghèo đói hay “kích dục thương hại” như cách dịch của nhà báo Hoàng Hối Hận), với ý nghĩa “truyền thông bằng bài viết, ảnh chụp hoặc phim về hoàn cảnh của những người nghèo khổ để kích thích lòng thương hại, để bán báo và kêu gọi quyên góp vật chất”. Dùng từ “kích thích” đúng hơn là “khơi dậy” (nghe nhân văn hơn) vì chúng ta đang nói về một hình thức kích dục (porn).

Để cho dễ hiểu, bộ phim đình đám “Triệu phú khu ổ chuột” (Slumdog Millionaire) cũng bị coi là một sản phẩm truyền thông có tính “poverty porn”. Người Ấn Độ phản đối bộ phim vì cho rằng trong phim là một Ấn Độ lệch lạc qua góc nhìn của người phương Tây, trong đó những người dân ở khu ổ chuột chấp nhận sự nghèo đói của mình và trông chờ vào sự cứu giúp.

Trường hợp “Triệu phú khu ổ chuột” vẫn còn gây tranh cãi nhưng thực tế này cho thấy ngay cả một bộ phim đạt đỉnh cao về nghệ thuật và tính nhân văn, lay động trái tim hàng triệu khán giả, vẫn có thể bị coi là “poverty porn” thì không có gì khó hiểu khi yếu tố này xuất hiện ở những chương trình truyền hình thực tế ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có câu chuyện về đôi vợ chồng Thanh – Đào ở Việt Nam.

Đi đến câu hỏi ở đầu bài: Triển lãm sự nghèo khổ và ban phát lòng thương hại có hại gì? Con người có tính hướng thiện, vậy những câu chuyện người tốt việc tốt, gây xúc động, kích thích lòng thương hại, có gì xấu (nếu như không sai sự thật)? Thực ra là có, không những thế còn rất nhiều. Tôi trích ra đây một số ý đã được trang Aid Thoughts liệt kê, và đó còn chưa phải là tất cả. Tóm lại, khi nảy sinh lòng thương hại một người được truyền thông đưa, bạn đang cư xử như thể:

  1. Hoàn cảnh của người này là hoàn toàn tuyệt vọng
  2. Người này cần tiền của bạn, muốn giúp họ thì bỏ tiền ra
  3. Người này không thể tự thay đổi cuộc đời của mình, hoặc đang không có bất kỳ một nỗ lực nào để thay đổi
  4. Với họ, những người như bạn là đấng cứu thế

Tất cả các ý nghĩ đó, bạn cho là tốt cho người đó, nhưng nó tước đi lòng tự trọng họ đáng được có. Trong thời gian vận động để nhận nuôi cậu con trai người da đen David, nữ ca sĩ Madonna tổ chức hoạt động từ thiện ở Malawi, quê hương cậu bé. Cô, người phụ nữ da trắng giàu có, ngồi giữa những đứa trẻ Malawi nghèo đói và bế trên tay đứa bé nhỏ nhắn, ốm yếu nhất. Trong ảnh, chỉ mình Madonna cười. Bức ảnh cũng bị cho là một sản phẩm truyền thông “poverty porn”. Những đứa trẻ đó chưa kịp lớn, có thể chưa được đến với tri thức và lao động, nhưng đã bị kết luận là “tuyệt vọng” và “chỉ có thể sống nhờ sự giúp đỡ của người khác”.

Đó không phải là nhân văn, đó là thiếu tôn trọng con người.

Bởi vậy, chương trình cải tạo xã hội mà tôi ủng hộ nhất hiện nay chính là Sách hóa Nông thôn Việt Nam của Nguyễn Quang Thạch. Bởi người làm chương trình thực sự hiểu thế hệ tương lai cần gì. Hơn thế, anh không dùng đến “poverty porn”.
(Tôi biết có những chương trình thiện nguyện nổi nhất trong nước hiện nay sử dụng poverty porn khá hiệu quả. Tốt cho họ, tôi không phản đối, nhưng cũng nói rõ là tôi không thích).

Kích dục thương hại có hại gì?

Nếu các hình ảnh nghèo đói dẫn đến các hoạt động thiện nguyện mà chúng ta vẫn mặc định là có ích cho xã hội? Vấn đề nằm ở đó, và điều này rất liên quan đến Việt Nam, cũng là lý do khiến tôi quan tâm đến chủ đề này nhiều năm rồi.

Huffington Post tổng kết những lý do “poverty porn” dẫn chúng ta đi sai hướng:

1/ Poverty porn không phải là hình ảnh của đói nghèo thực sự:

Đói nghèo là hệ quả của cả vấn đề cá nhân lẫn vấn đề hệ thống, và poverty porn chỉ cho chúng ta thấy hình ảnh của sự thiếu thốn vật chất – một khía cạnh dễ thấy nhất của đói nghèo. Bởi vậy, thế giới ngày nay có cái nhìn lệch lạc về đói nghèo, thường là hình ảnh một đứa trẻ da đen gầy gò không mặc quần áo và đặc biệt, ánh mắt ngời sáng để thu hút lòng thương hại.

2/ Poverty porn khiến người ta bỏ tiền của, công sức làm thiện nguyện, nhưng không cải tạo được xã hội.

Những người chỉ trích poverty porn nói rằng, ngày nay nhờ sự kêu gọi của truyền thông, ai cũng muốn làm việc tử tế, nhưng theo cách dễ nhất: bỏ tiền ra cho những hoạt động mà họ nghĩ là tử tế. Thực chất, hành động quyên tiền không phải thay đổi sự đói nghèo về mặt hệ thống. Nó cũng truyền đi một thông điệp đến người nghèo rằng họ tuyệt vọng và chỉ có thể trông chờ vào quyên góp vật chất.

Cùng một hành động được cho là tử tế, chúng ta làm hỏng cả chủ thể lẫn đối tượng.

3/ Poverty porn, từ một khía cạnh nào đó, là lừa đảo.

Nó khiến những người muốn giúp đỡ quyên tiền cho những cộng đồng mà chúng ta không biết gì nhiều về họ. Nó khiến những người được giúp đỡ coi việc nhận tiền là đương nhiên và nảy sinh tâm lý ý lại vô cùng độc hại.

Một người bạn của tôi nói: “Những đoàn khách du lịch và phượt từ miền xuôi đang làm hỏng con người ở miền núi phía Bắc vì một hành động đơn giản: thấy trẻ em chạy trên đường là gọi lại cho kẹo. Về sau những đứa trẻ cứ thấy du khách đi trên đường là chạy theo”. Vì sao cho kẹo? Vì họ nghĩ những đứa trẻ đó nghèo khổ, tội nghiệp. Cho kẹo, hay cho bất cứ thứ thức ăn gì, có giải quyết được vấn đề? Tất nhiên là không. “Đến đó mới thấy người dân ỷ lại đến mức nào”. Sẽ ra sao nếu tính ỷ lại được luyện từ bé?

Tôi sợ rằng những hoạt động quyên góp vật chất, chẳng hạn áo ấm, không/chưa giải quyết được vấn đề. Cũng người bạn của tôi nói: “Những năm gần đây có rất nhiều chương trình quyên góp áo ấm cho trẻ vùng cao nhưng hầu hết đều không biết rằng các gia đình vùng cao giờ đã có khá nhiều quần áo ấm nhưng họ không hề mặc đến. Trái lại, họ cần đến những vật dụng phục vụ sinh hoạt như chậu rửa, gáo…, hiện nay phải dùng đồ cũ kỹ nhưng các chương trình thiện nguyện không biết hoặc không quan tâm đến những nhu cầu như thế”.

Chính vì truyền thông, những hình ảnh chụp các em bé chân trần phong phanh trong giá rét, bên cạnh là những đoàn du lịch áo quần ấm áp, ai ai cũng nghĩ trẻ vùng cao rất cần áo ấm.

Tôi vừa tham gia một hoạt động tình nguyện, viết ra những điều này có thể làm buồn lòng những bạn trẻ nhiệt huyết mà tôi rất có thiện cảm. Nếu có những chương trình như vậy, tôi vẫn tham gia tiếp, vì có đi mời biết có gì ổn và không ổn. Và chính vì nhiệt huyết, các bạn không nên theo đuổi những hoạt động thiện nguyện không có hiệu quả thực chất và lâu dài.

Không gì buồn hơn có nhiệt huyết cống hiến cho xã hội mà lại sai cách. Làm thế nào mới đúng? Người ta nói nhiều về thuyết “đưa cần câu, không đưa con cá”, nói chung vẫn đúng. “Cần câu” thời này là những gì? Một là giáo dục/tri thức; Hai là tìm đầu ra cho những sản phẩm do người dân nghèo sản xuất (kích thích lao động); Ba là đưa du lịch đến các vùng miền văn hóa (hoàn toàn trái ngược với hiến các vùng miền văn hóa cho du lịch)… Một phần trong đó là ý tưởng của bạn tôi, không phải của tôi.

Tôi biết ở Việt Nam và trên thế giới, nhiều tổ chức NGO vẫn sử dụng povery porn để kêu gọi gây quỹ từ thiện rất hiệu quả, nhưng có đáng đổi những khoản tiền từ thiện khổng lồ lấy hiểu biết sai lệch và ngày càng sai lệch của xã hội về đói nghèo? Theo tôi là không.

Tác giả: Mi Ly

Leave a comment